Nhà Số 81 Kinh Thành 2 là một sự thất vọng không thể diễn tả đủ bằng lời mà chỉ khi xem xong phim bạn mới hiểu.

Đang xem: Review phim nhà số 81 kinh thành

Một trong những điều mà tôi ghét nhất khi xem phim có dính đến tiếng Trung là có quá nhiều logo các hãng phim và đối tác làm phim. Ngôi Nhà Số 81 Kinh Thành 2 cũng thuộc trường hợp này. Ngay khi mới vào phim đã bắt bạn phải xem qua sơ sơ khoảng 5-7 logo gì đó, tốn thời gian vô nghĩa không ít. Thế nhưng cái câu “lắm thầy nhiều ma” có lẽ cũng không sai chút nào khi “vận” ngay vào đúng phim này.

*

ADVERTISEMENT

Nếu từng xem phần một của phim năm 2014, hẳn bạn còn nhớ nó từng gây tiếng vang lớn với sự tham gia của Lâm Tâm Như. Thế nhưng, mang tiếng là phần hai nhưng phim không dính gì nội dung phim cũ. Ưu điểm của việc này là bạn hoàn toàn không ngại việc không thể hiểu được cốt truyện của phim. Mặt khác, phần này thay toàn bộ dàn diễn viên và dường như chỉ ăn theo thành công từ phần một mà thôi. Nhà Số 81 Kinh Thành 2 lấy bối cảnh thời kỳ dân quốc, tiếp tục kể về những sự kiện xảy ra tại ngôi nhà ở địa chỉ 81 phố Triều Dương Môn, Bắc Kinh. Đây là một trong số bốn ngôi nhà nổi tiếng tại Bắc Kinh vì nhiều lời đồn đại có ma từ nhiều thập kỷ qua.

Phim mở đầu bằng một phân cảnh dọa ma người xem. Sau màn mở đầu khá “ấn tượng”, Nhà Số 81 Kinh Thành 2 chuyển sang sự kiện một nhóm thợ của kỹ sư xây dựng Tống Đằng (Trương Trí Lâm). Trong quá trình khai quật, người ta phát hiện ra một cái xác không rõ danh tánh, được gắn một thứ như lá bùa trừ tà. Khi lá bùa vô tình bị gió thổi bay mất, một sự kiện bất ngờ xảy ra khiến các công nhân hoảng sợ, đồng loạt nghỉ việc. Thế nhưng, đằng sau cái xác bí ẩn còn rất nhiều uẩn khuất. Mọi thứ chỉ dần hé lộ khi Hạ Phi (Mai Đình), vợ của Tống Đằng chuyển đến ngôi biệt thự cũ này để cứu vãn cuộc hôn nhân của họ.

Xem thêm:

Mang tiếng là phim kinh dị nhưng Nhà Số 81 Kinh Thành 2 lại chủ yếu khai thác tâm lý nhân vật. Đáng tiếc, nội dung phim không hề mới. Trái lại, tôi thấy sự góp nhặt từ rất nhiều cốt truyện quen thuộc, thậm chí phim Việt của chúng ta cũng đã khai thác rất nhiều rồi. Nếu bạn kỳ vọng sẽ xem những thước phim ma mị, cuốn hút và có chiều sâu thì sẽ rất thất vọng. Ngoài màn mở đầu khá ấn tượng, gần như toàn bộ phim về sau càng mất hẳn hai chữ “kinh dị”, mà chuyển sang thành một câu chuyện giao thoa giữa hai thời đại vừa dông dài lê thê vừa tẻ nhạt.

*

Diễn xuất của dàn diễn viên cũng chỉ ở mức xem được, không có gì ấn tượng. Chỉ có Mai Đình là khá hơn một chút, với ánh mắt và khuôn mặt thể hiện được cái hồn của nhân vật hơn, nhưng không đến mức xuất sắc. Nhưng phần tệ nhất phải nói đến có lẽ là âm nhạc. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi “gu” chọn nhạc của nhà làm phim. Hầu hết những bài nhạc đều khá lạc điệu với nội dung, lại còn lan man không thể bắt nhịp được với phim. Tệ hơn, nhiều đoạn ghép nhạc rất “duyên dáng”, như cố tình gợi ý người xem nên có cảm xúc như thế nào, nhưng thật sự diễn tiến phim không như vậy, có khi lại chẳng có gì. Cách dàn dựng phim cũng khiến tôi không thể khen nổi một lời, cảm giác nó khá lộn xộn không theo trình tự nào, mà chỉ cốt làm sao để người xem hiểu được nội dung mà nhà làm phim muốn diễn giải.

Để tăng thêm chút “màu mè”, Nhà Số 81 Kinh Thành 2 cũng sử dụng chút kỹ xảo nhưng thú thật tôi không nghĩ họ lại làm tệ đến thế, nhất là gần cuối phim. Nó cẩu thả, “rẻ tiền” đến độ tôi không nghĩ có chút nào tương xứng với nội dung phim vốn đã nhạt chẳng kém. Cảm giác như kỹ xảo từ những năm 90 vậy. Cách sử dụng tiếng động thì đỡ hơn, nhưng những màn dọa người xem không nhiều. Bản thân Nhà Số 81 Kinh Thành 2 cũng không đáng gọi là phim kinh dị. Thật sự chỉ có đôi cảnh gây chút hồi hộp, đầu phim còn ráng có vài phân đoạn dọa người xem cho có chút không khí, nhưng cũng chỉ có vậy và sau đó chúng hoàn toàn “mất tích”.

Xem thêm:

Nhưng không chỉ có vậy, phụ đề phim còn khiến tôi thấy khó chịu hơn vì đã phí thời gian đi xem. Nhà Số 81 Kinh Thành cũng như nhiều phim Việt Nam, khi chiếu rạp có phụ đề tiếng Anh dành cho người nước ngoài có thể thưởng thức. Đáng nói, phụ đề hiển thị rất khó đọc khi không phân tách lời thoại của hai nhân vật khác nhau thành từng dòng riêng. Thay vào đó, phụ đề hiện chung một hàng chữ, cách nhau bằng nhiều khoảng trắng. Phụ đề Việt xuất hiện phía trên phụ đề tiếng Anh, cũng áp dụng cách thức tương tự, rất khó theo dõi. Chưa kể, đến cuối phim, phần credits có rất nhiều phụ đề tiếng Trung, có lẽ kể câu chuyện lịch sử gì đó về Nhà Số 81 Kinh Thành ở đời thực. Thế nhưng không có phụ đề tiếng Việt tương ứng!

*

Tóm lại, tôi hoàn toàn không khuyến cáo các bạn đi xem phim này. Nó không có chút điểm nào để “cứu vớt” nổi phim. Nếu muốn tìm kiếm một phim kinh dị thì Annabelle: Tạo vật quỷ dữ sắp chiếu trong tuần này có lẽ đáng tiền hơn. Còn nếu đã xem Nhà Số 81 Kinh Thành phiên bản năm 2014 và đặt nhiều kỳ vọng ở phần hai thì chắc chắn bạn sẽ thất vọng “toàn tập” thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *