Từ bỏ công việc sản xuất hậu kỳ phim ở nước ngoài, anh Luân Nguyễn trở về quê hương với mong muốn nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam và tái hiện trên màn ảnh.

Đang xem: Kỹ xảo: sự thật sau những hình ảnh mãn nhãn của phim bom tấn hollywood

*

Trước khi trở về Việt Nam năm 2018, Nguyễn Phùng Minh Luân (35 tuổi, TP.HCM) từng làm việc cho các công ty kỹ xảo có văn phòng ở Singapore, Australia. Anh tham gia ê-kíp sản xuất hậu kỳ cho nhiều phim bom tấn như Harry Potter và Bảo bối tử thần, Tomb Raider: Huyền thoại bắt đầu, Thor (phần 2 và 3), Fast & Furious 6, Godzilla, The Hunger Games (phần 2 và 3).

Khi biết tôi từng tham gia ê-kíp sản xuất hậu kỳ cho loạt phim bom tấn của kinh đô điện ảnh Hollywood, đa phần mọi người đều ngạc nhiên, một số còn ngờ vực.

Tôi hoàn toàn hiểu điều này vì cách đây một thập kỷ, ngành kỹ xảo điện ảnh mà tôi theo đuổi có khá ít thông tin và khó tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông như những ngành nghề khác, đặc biệt ở Việt Nam.

Nhiều cá nhân không thể tưởng tượng rằng có người Việt góp phần vào công việc này.

Ngay cả bạn bè ở nước ngoài của tôi cũng không biết nó tồn tại ở đâu và có gì.

Anh Luân Nguyễn (áo đen, ở giữa phía trên) chụp ảnh cùng đồng nghiệp tại công ty kỹ xảo Double Negative chi nhánh Singapore.

Say mê từ nhỏ

Tôi có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ. Mỗi lần chơi game, xem phim với các phân cảnh kỹ xảo hấp dẫn thời trước, như trong Chúa tể của những chiếc nhẫn, tôi thắc mắc tại sao họ làm được như vậy.

Niềm say mê ấy thôi thúc tôi khám phá để ngày nào đó bản thân làm được điều tương tự.

Tốt nghiệp cấp 3, tôi trúng tuyển ĐH Nghệ thuật Lasalle ở Singapore. Khi tôi nói sẽ theo đuổi lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh, nhiều bạn bè cười, nói tôi viển vông.

Sau khi tốt nghiệp ngành họa sĩ vẽ hoạt hình 3D, tôi làm việc cho công ty kiến trúc ở đảo quốc sư tử. Để phục vụ tốt hơn cho công việc, tôi dành thêm một năm tu nghiệp tại Trường nghệ thuật thị giác 3D Sense Media – được các chuyên gia kỹ xảo hàng đầu Hollywood lập ra.

Chia tay công việc kiến trúc, tôi có hơn 5,5 năm đầu quân cho công ty kỹ xảo Double Negative (trụ sở ở Vương quốc Anh) chi nhánh Singapore.

Tại các trung tâm chuyên sản xuất hậu kỳ hướng tới thị trường phim bom tấn Mỹ như vậy, tiêu chuẩn cao dẫn đến sự phân hóa chuyên môn sâu.

Một studio trung bình có khoảng 200-300 người đảm nhận phần chuyên môn (được gọi là artist), chưa kể rất nhiều bộ phận khác.

*

Tên anh Luân Nguyễn xuất hiện trong phần giới thiệu ê-kíp sản xuất hậu kỳ cho phim điện ảnh Người đàm phán (Bridge of Spies) – đề cử giải Oscar năm 2016.

Chuyên môn của tôi là làm về môi trường. Với các cảnh quay trên phông xanh một phần hoặc toàn phần, nhiệm vụ của tôi là sử dụng công nghệ, kỹ xảo máy tính để tái tạo, giả lập những cảnh vật xung quanh diễn viên sao cho trông giống thật nhất.

Quỹ thời gian tôi dành cho công việc khá nhiều. Những khi chạy deadline, tôi có thể làm 10-14 tiếng/ngày, thức đến 1-2h sáng là chuyện bình thường.

Harry Potter và Bảo bối tử thần (phần 2, tập 7, sản xuất năm 2011) là dự án đầu tiên tôi tham gia. Vì là “lính mới”, tôi chưa được giao nhiều công việc.

Sau đó, công ty tin tưởng, giao cho tôi ngày càng nhiều công việc cũng như phân cảnh hoành tráng với trọng trách cao hơn.

Có lần, tôi được giao phụ trách chính trong việc lên ý tưởng và xây dựng bối cảnh cho cả một thành phố lớn. Kinh nghiệm làm việc ở công ty kiến trúc trước đó giúp tôi khá nhiều.

Với việc đầu tư nhiều chất xám và sự sáng tạo, mức thu nhập trong ngành kỹ xảo điện ảnh khá hấp dẫn. Ở 3 công ty tôi từng làm việc, mức lương dao động 90.000-100.000 USD/năm.

Ngoài thu nhập tốt, nghề sản xuất hậu kỳ cho tôi cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với những công nghệ kỹ thuật tiên tiến, được cập nhật sớm nhất.

Bên cạnh đó, tôi được rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích chi tiết chất liệu, cấu tạo của mọi thứ từ thiên nhiên cho tới nhân tạo. Đó là kỹ năng tôi phải trui rèn trong suốt những năm tháng làm nghề.

Xem thêm:

*

Sản phẩm kỹ xảo của anh Luân Nguyễn.

Rẽ hướng

Sau 10 năm theo ngành kỹ xảo, tôi có đầy đủ kinh nghiệm, thành tựu nhưng thấy công việc không còn gì bất ngờ. Đồng ý rằng mỗi dự án mỗi khác song guồng xoay công việc cứ thế lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi cuộc sống cũng như môi trường xung quanh.

Giữa năm 2018, tôi dừng công việc tại công ty kỹ xảo Rising Sun Pictures ở Australia để trở về Việt Nam.

Thời gian đầu chưa có việc gì làm, tôi nhớ lại ngày nhỏ mình cũng yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc. Ý tưởng làm phim ngắn về bối cảnh xã hội Việt Nam thời tiền công nghiệp được hình thành từ đó.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện không hề dễ dàng.

Trước đây, tôi từng học về làm phim nhưng những khâu sản xuất chưa bao giờ có cơ hội động tới dẫn đến nhiều bỡ ngỡ, thiếu sót.

Đặc biệt, trong môi trường Việt Nam còn thiếu thốn, tôi không biết bắt đầu từ đâu, liên hệ với ai, cần những gì.

*
*

Cố Du là dự án cá nhân đầu tiên anh Luân Nguyễn thực hiện sau khi trở về Việt Nam.

Ý định ban đầu của tôi là làm phim ngắn. Tuy nhiên, sau khi tính toán ngân sách cần hơn 1 tỷ cho 20 phút, tôi đắn đo vì đó là sản phẩm phi thương mại, không có tài trợ, hợp tác, cũng không biết sẽ thành công tới đâu. Cuối cùng, tôi quyết định chọn ra vài cảnh để làm thử nghiệm.

Cố Du ra đời từ đó với chi phí gần 500 triệu đồng.

Tôi sử dụng công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) để tái hiện khung cảnh, đồ vật bị tàn phai qua năm tháng, làm sống lại một phần cuộc sống hàng ngày của tầng lớp quý tộc Việt Nam trong triều đại nhà Nguyễn (1802-1945).

Ban đầu, khi ra mắt sản phẩm trên mạng, tôi hồi hộp, lo lắng không biết mọi người đón nhận như thế nào, có ý kiến trái chiều gì không.

May mắn là dù không được quảng bá rộng rãi, Cố Du vẫn gây sự chú ý, tạo ra không khí để người xem có thể tưởng tượng, bay bổng.

Nhiều người hỏi tôi có hối hận khi về Việt Nam hay không, tôi tự tin nói là “Không”. Đối với tôi, đó là cánh cửa mới mở ra và khó khăn là điều khó tránh khỏi.

Hiện tại, tôi vẫn tham gia sản xuất hậu kỳ mảng môi trường cho các thị trường phim trong và ngoài nước. Dù quy mô công việc không được như xưa, tôi cảm thấy hài lòng.

Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian nghiên cứu về văn hóa, cổ phục Việt Nam với hy vọng có thể tái hiện, phục dựng các giá trị truyền thống qua thế giới phim ảnh và kỹ xảo đồ họa.

*

Anh Luân Nguyễn đam mê nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam và mong muốn tái hiện, phục dựng các giá trị truyền thống qua kỹ xảo đồ họa.

Khi còn làm ở công ty kỹ xảo nước ngoài, tôi gần như là artist đến từ Việt Nam duy nhất. Tôi vui vì thế giới ngày càng phẳng, thông tin về ngành nghề này phổ biến và dễ tiếp cận hơn, có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng theo đuổi.

Xem thêm:

Từ đó, tôi tin rằng khi biết có người Việt tham gia sản xuất hậu kỳ cho các bộ phim bom tấn nước ngoài, mọi người không còn thấy lạ, coi là điều viển vông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *